Trong những năm vừa qua, nhờ áp dụng mô hình sản xuất lúa theo chương trình 3 giảm 3 tăng ( trong đó có IPM) trên cây lúa đã mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. Khi áp dụng mô hình vào sản xuất đã giúp nông dân giảm được chi phí đầu vào nhờ giảm được giống, phân đạm, lao động, thuốc bảo vệ thực vật… mà năng suất lúa luôn đạt bằng và cao hơn phương thức sản xuất cũ; từ đó hiệu quả sản xuất lúa tăng lên đáng kể.
Theo Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh về phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025 ổn định diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 24.900 ha, năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Có nhiều giải pháp kỹ thuật được đề xuất, trong đó có giải pháp chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM; 3 giảm 3 tăng,.., công nghệ xử lý sau thu hoạch và bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thay thế dần các giống cũ bằng các giống mới, cho năng suất và chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm thực hiện theo định hướng chỉ đạo của tỉnh, trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình áp dụng biện pháp canh tác 3 giảm 3 tăng trên các giống lúa chất lượng cao để hỗ trợ người nông dân có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng các giống lúa mới có triển vọng về năng suất, chất lượng, áp dụng biện pháp canh tác khoa học, tiên tiến, nhằm tiết kiệm được chi phí đầu vào, sản xuất được sản phẩm lúa gạo chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vụ Hè Thu 2023, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình 3 giảm 3 tăng với diện tích 80 ha tại 10 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, tại các điểm mô hình đã sử dụng các giống lúa chất lượng cao như HG12, HG244, HN6… để sản xuất. Thông qua mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông ngoài việc hướng dẫn sản xuất lúa theo đúng yêu cầu kỹ thuật, còn định hướng cho nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế những nhược điểm trong sản xuất của bà con hiện nay như: gieo sạ dày, bón thừa đạm, sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm nhưng không có hoặc có ít lợi nhuận; lạm dụng tài nguyên, nguyên vật liệu đầu vào gây ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của thị trường...Từ đó giúp người dân làm quen với sản xuất lúa gạo mang tính hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Kết thúc mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức hội nghị đầu bờ tại một số điểm xây dựng mô hình và kết quả thu hoạch cuối vụ, tất cả các điểm đều đánh giá năng suất của mô hình tăng từ 2-4 tạ/ha, đặc biệt hiệu quả sản xuất tăng lên từ 3 đến 5 triệu đồng/ha từ giảm chi phí đầu vào, giá bán cao nhờ sử dụng giống lúa chất lượng, cùng với đó là chất lượng lúa gạo cao hơn nhờ giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm sử dụng phân hóa học…Từ kết quả này, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trong các vụ tới nhằm giúp bà con tăng hiệu quả sản xuất, góp phần tăng diện sản xuất các giống lúa chất lượng trên toàn tỉnh.