Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích gieo cấy lúa hàng năm khoảng 54,5 ngàn ha, lượng rơm rạ máy gặt thải ra trên đồng sau thu hoạch ước tính khoảng 218.000 tấn (mỗi ha khoảng 4 tấn). Để hạn chế đốt rơm rạ trên đồng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí, trong thời gian qua Trung tâm Khuyến nông đã triển khai các mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 37 máy cuốn rơm đang hoạt động. Một trong những giải pháp tái sử dụng rơm vào sản xuất nông nghiệp là làm thức ăn thô để chăn nuôi trâu bò, tuy nhiên hiện nay rơm cuộn đang được sử dụng ở dạng nguyên, chưa qua chế biến.
Đặc điểm của rơm rạ là kềnh càng và chất lượng dinh dưỡng thấp, có thành phần Silic cao (12-16%) là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tiêu hóa kém. Nếu cho ăn rơm rạ chưa qua chế biến thì gia súc chỉ ăn được một lượng nhỏ. Vì vậy để sử dụng rơm làm thức ăn nuôi gia súc có hiệu quả thì việc chế biến trước khi sử dụng là rất cần thiết.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình chế biến rơm làm thức ăn vỗ béo bò thịt. Mô hình được triển khai tại trang trại nuôi bò vỗ béo trên địa bàn xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Mô hình áp dụng cối trộn thức ăn (TMR) có dung tích 3,5m3, có chức năng vừa cắt nhỏ rơm, vừa trộn rơm với các loại thức ăn khác để tạo ra hỗn hợp thức ăn hoàn chỉnh. Cối trộn hoạt động thông qua truyền động bằng PTO – Cardan gắn máy kéo từ 24HP trở lên. Công suất chế biến đạt 400-500kg nguyên liệu/mẻ. Các loại nguyên liệu đưa vào chế biến thức ăn để nuôi bò vỗ béo bao gồm: Rơm cuộn, bã bia, bã sắn, bột sắn, thức ăn tinh hỗn hợp, rỉ mật… Công thức phối trộn có giá trị dinh dưỡng protein thô đạt 12-12,5%, năng lượng trao đổi đạt 2,3Mcal/kgVCK. Hỗn hợp thức ăn sau chế biến có đặc điểm mềm, ẩm, có mùi thơm dễ chịu.
Sử dụng hỗn hợp chế biến để nuôi bò vỗ béo cho thấy khả năng ăn vào tăng lên rõ rệt, dễ tiêu hóa hơn so với chưa qua chế biến và sử dụng riêng lẻ, không còn hiện tượng dư thừa và rơi vãi thức ăn gây lãng phí như trước đây. Bò tăng trọng nhanh hơn, bình quân đạt 1kg/ngày, cho lợi nhuận 1,6 triệu đồng/con sau 3 tháng vỗ béo.
Mô hình chế biến rơm làm thức ăn vỗ béo bò thịt lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mô hình có ý nghĩa lớn trong việc tăng cường sử dụng rơm và các phụ phẩm chế biến nông sản làm nguồn thức ăn nuôi gia súc nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần hạn chế đốt rơm trên đồng gây ra nhiều hệ lụy và lãng phí. Có thể nói đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao và theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn mang lại đa lợi ích, vì vậy cần quan tâm hỗ trợ để nhân rộng trong thời gian tới./.