Hiện nay nguồn thức ăn xanh đang rất dồi dào, bà con nên tranh thủ thời tiết nắng ráo thu cắt, chế biến và dự trữ dưới dạng ủ chua để bổ sung thức ăn phòng chống đói rét cho trâu bò trong mùa đông sắp đến. Thức ăn xanh sau khi ủ chua sẽ bảo quản được từ 3-4 tháng cho trâu bò ăn trong suốt mùa đông. Chúng tôi xin hướng dẫn kỹ thuật ủ chua thức ăn xanh để bà con tham khảo áp dụng.
1. Công thức ủ chua thức ăn xanh:
- Các loại cỏ, thân cây ngô, ngọn lá sắn, ngọn lá mía: 100kg
- Cám gạo (hoặc bột sắn, bột bắp): 6-7 kg
- Muối ăn: 0,5kg
Nếu có điều kiện, thêm rỉ mật mía từ 2-4 kg tuỳ loại thức ăn, thức ăn xanh ngọt nhiều thì cho ít rỉ đường, thức ăn xanh già, ít ngọt thì cho nhiều rỉ đường).
Nếu bà con sử dụng men chuyên dùng để ủ chua thức ăn xanh thì áp dụng theo công thức hướng dẫn của nhà sản xuất.
2. Chuẩn bị túi, thùng để ủ chua:
Dùng túi ủ nilon loại dày (1 hoặc 2 lớp). Hiện nay trên thị trường có nhiều loại túi ủ: loại nilon ống, loại túi ủ chuyên dùng có nhiều cỡ khác nhau chứa từ 100- 800kg thức ăn. Có thể dùng thùng phuy nhựa có dung tích 200 lít có nắp đậy kín. Túi ủ và thùng ủ được rửa sạch và để khô, cần chuẩn bị thêm dây cao su để buột kín miệng túi sau khi ủ.
3. Thu cắt và sơ chế thức ăn xanh để ủ chua:
- Thu cắt thức ăn xanh khi thời tiết nắng ráo, đảm bảo phải sạch, không thối mốc, sau thu cắt cần tiếp tục băm ngắn từ 5-10cm, sau đó phơi nắng khoảng 1 buổi và đảo 2-3 lần cho thức ăn xanh héo đều.
- Lưu ý: Không thu cắt thức ăn xanh để ủ khi trời mưa. Thức ăn xanh sau thu cắt cần ủ ngay trong ngày.
4. Các bước ủ chua thức ăn xanh:
Bước 1: Trộn đều muối ăn và cám (hoặc bột sắn, bột bắp) theo công thức.
Bước 2: Rải đều thức ăn xanh đã sơ chế ra sân xi măng hoặc trên tấm bạt sạch
Bước 3: Rắc đều cám đã trộn muối lên lớp lớp thức ăn xanh. Lưu ý: tỷ lệ trộn thức ăn xanh đã sơ chế, cám và muối theo công thức ở mục 1.
Bước 4: Cho 1 lớp rơm khô khoảng 10cm vào đáy túi ủ để hút nước sinh ra trong quá trình ủ.
Bước 5: Cho hỗn hợp thức ăn xanh (đã rải cám và muối) vào túi ủ với độ dày khoảng 20cm.
Bước 6: Nén chặt lớp thức ăn xanh trong túi để đuổi không khí ra ngoài bằng cách dùng chân sạch dẫm đạp lên lớp ủ.
Các bước tiếp theo lập lại bước 5 và bước 6 cho đến khi đầy túi ủ.
Sau khi đầy túi ủ, nén chặt miệng túi lần cuối để đẩy hết không khí ra ngoài, sau đó dùng dây cao su buột chặt miệng lại. Nếu ủ trong thùng phuy nhựa cần phải đậy nắp kín, không để không khí lọt vào thùng.
Ghi ngày tháng ủ lên túi ủ để tiện theo dõi
5. Bảo quản thức ăn xanh ủ chua:
- Các túi ủ chua được bảo quản ở nơi khô ráo và râm mát, có mái che nắng mưa. Không để ánh nắng mặt trời chiếu vào túi ủ, không để nước và không khí lọt vào túi ủ.
- Có biện pháp phòng chống chuột và động vật khác cắn phá làm rách túi ủ sẽ dẫn đến làm hỏng thức ăn.
6. Kiểm tra chất lượng và sử dụng:
- Sau khi ủ từ 3-4 tuần có thể lấy ra để cho trâu bò ăn.
- Chất lượng thức ăn xanh ủ chua tốt sẽ có những đặc điểm như: mùi thơm ua dễ chịu; có màu vàng chanh của dưa cải muối; không mềm nhũn; vị không đắng, không chua gắt; không bị mốc. Nếu thức ăn ủ chua bị thối hoặc bị mốc phải bỏ đi, không sử dụng cho trâu bò ăn.
- Khi cho trâu bò ăn, lấy từng lớp thức ăn từ trên miệng túi xuống, sau khi lấy xong cần nén đẩy không khí ra ngoài và buột chặt miệng túi ủ, không để không khí lọt vào.
- Những ngày đầu cần tập cho trâu bò ăn, cho ăn từ ít tới nhiều. Khi trâu bò đã quen thức ăn ủ chua, mỗi ngày cho ăn bổ sung từ 5-10kg/con tùy theo khối lượng cơ thể. Cho trâu bò ăn thêm cỏ xanh và rơm, cho uống nước sạch đầy đủ./.