Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi Thanh trà sau bão lũ
Cập nhật:24/12/2021 8:42:37 SA
Cây thanh trà thường được bố trí trồng ở các vùng đất có phù sa bồi hằng năm để trái có phẩm chất tốt, nhưng cũng dễ bị thiệt hại do lũ lụt. Trong năm 2020 nhiều cơn bão và mưa lũ lớn kéo dài, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người nông dân trong đó có những người nông dân sản xuất bưởi Thanh trà.

Nhằm khắc phục thiệt hại do lụt, bão gây ra các ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời thăm hỏi động viên, hỗ trợ vật chất và tinh thần tạo điều kiện để người dân khôi phục lại vườn cây, khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống. Năm 2021, được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các địa phương thực hiện các mô hình  thâm canh khôi phục vườn bưởi Thanh trà đang trong thời kỳ kinh doanh có độ tuổi từ 5-15 năm bị ngập úng sau bão lũ với quy mô 30 ha. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trong quá trình thực hiện mô hình với sự góp ý của các chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là của chủ vườn được đánh giá có hiệu ứng tích cực, khả quan và phù hợp với điều kiện của địa phương. Để người trồng bưởi Thanh trà có cơ hội tiếp cận và áp dụng  xử lý kịp thời và lâu dài tại vườn cây của mình để hạn chế cây bị chết, mất sức sinh trưởng; chúng tôi xin chia sẻ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi Thành trà sau bão lũ, cụ thể như sau:

 1. Đối với vườn cây bị chết cành, rụng lá

a. Trường hợp cây còn khả năng phục hồi (còn cành sống, trên cành còn lá, rễ bị hại nhưng rễ chính vẫn còn sống) áp dụng ngay các biện pháp xử lý sau:

Bước 1: Vệ sinh toàn bộ vườn cây

- Cắt bỏ cành bị khô, chết.

+ Đối với cây bị hại nhẹ: còn nguyên vẹn cành, lá hoặc có rất ít cành bị chết (<1/3 tán cây phía dưới): Chỉ cắt bỏ cành chết, sau khi cây phục hồi mới tỉa cành tạo tán.

+ Đối với cây bị hại trung bình (có số cành phía dưới bị chết từ 1/3-2/3): Cắt bỏ toàn bộ cành chết và cành bên dưới, để lại phần tán trên ngọn, sau khi cành bên hồi phục sẽ tạo lại toàn bộ tán cây.

+ Đối với cây bị hại rất nặng (có bộ tán còn lại <1/3 cành phía trên): Cắt bỏ toàn bộ cành chết và cành không còn lá, để lại các cành còn lá, sau khi cây hồi phục sẽ tiến hành tạo lại bộ tán. Trong trường hợp những cây không thể phục hồi được thì mới phải trồng dặm thay thế.

- Vệ sinh vùng gốc cây, vườn cây

+ Xới phá váng mặt đất xung quanh gốc cây và vùng rễ cây (độ sâu 3-5cm tùy theo mức độ nông sâu của phần đất phủ lên gốc).

+ Đào hoặc khơi thêm rãnh thoát nước trong vườn.

+ Rắc vôi bột vào vùng rễ cây.

Bước 2: Xử lý nguồn bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật và phục hồi bộ rễ.

- Xử lý nguồn bệnh trên cây: Phun phủ toàn bộ vết cắt và tán cây bằng các thuốc chứa hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl hoặc Difenoconazol hoặc Azoxystrobin. Lượng dùng và nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Xử lý nguồn bệnh vùng rễ cây: Xử lý gốc bằng thuốc bảo vệ thực vật trừ bệnh chứa hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl hoặc Dimethomotph hoặc Fosetyl Aluminium với lượng theo khuyến cáo. Có thể trộn thuốc với cát hoặc đất bột để rắc vào gốc hoặc pha thuốc để tưới với lượng nước từ 3-5 lít/gốc tùy thuộc kích thước cây.

Bước 3: Phục hồi bộ rễ

- Sau xử lý gốc 7-10 ngày, sử dụng chế phẩm có chứa Humic + Chế phẩm sinh học (Trichoderma) bón hoặc phun vào gốc để kích thích ra rễ. Đồng thời có thể phun bổ sung phân bón lá có đủ các yếu tố vi lượng (lưu ý không phun sớm phân bón lá có chứa chất kích thích sinh trưởng).

b. Trường hợp cây bị hại nặng, toàn bộ lá bị rụng, cành bị chết: Đào bỏ cây chết đem tiêu hủy, xử lý đất và trồng lại.

2. Đối với vườn cây bị đổ nghiêng

Tiến hành khôi phục vườn cây theo 4 bước sau:

Bước 1: Dựng thẳng gốc cây, dùng cọc chống để cây không bị nghiêng trở lại.

Cắt bỏ toàn bộ cành sâu bệnh, cành già, cành vượt. Xử lý vôi bột hoặc thuốc sát khuẩn bằng Booc-đô hoặc các thuốc bảo vệ thực vật chứa gốc đồng tại vết cắt.

Bước 2+3+4: Áp dụng như trường hợp 1.

Sau khi thực hiện các biện pháp cấp thời để cẩn thực hiện tiếp tục các biện pháp chăm sóc để phục hồi vườn cây bưởi Thanh trà: như làm cỏ, xới xáo và vệ sinh vườn cây, tỉa cành, tạo tán, bón phân chăm sóc theo đúng quy trình. Tăng cường bón phân hữu cơ và phân vi sinh, làm cho đất tơi xốp hơn, bộ rễ phát triển mạnh, hạn chế mất nước trong quá trình bốc hơi từ mặt đất, chống được hạn, chống xói mòn. Tưới nước đầy đủ theo nhu cầu của cây trong từng giai đoạn. Theo dõi phòng trừ sâu bệnh kịp thời./.

Ngô Viết Trí
 Bản in]

Thư viện video

Tổng cộng0