Áp dụng cơ giới hóa trong khâu xuống giống bằng máy sạ cụm lúa
Cập nhật:20/09/2023 2:16:48 CH
Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Đối với sản xuất lúa, hiện nay đã cơ giới hóa được nhiều khâu như làm đất, tưới nước, phun thuốc BVTV, thu hoạch... Với khâu gieo cấy, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông và các địa phương trong tỉnh đã nghiên cứu áp dụng các giải pháp cơ giới hóa để gieo cấy lúa như sạ hàng, máy cấy… tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và khả năng nhận rộng còn hạn chế.

Để giúp đẩy nhanh khâu xuống giống và thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, sau thời gian tìm hiểu, Trung tâm Khuyến nông đã  kết hợp với doanh nghiệp và HTXNN Thủy Tân – Thị xã Hương Thủy tổ chức trình diễn gieo sạ bằng máy sạ cụm trong vụ Đông Xuân 2022-2023, từ kết quả vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu 2023 Trung tâm đã xây dựng mô hình hỗ trợ máy sạ lúa theo cụm được sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc với số lượng 02 máy tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền và HTX NN Thủy Tân, thị xã Hương Thủy.

Ông Nguyễn Quang Hồng – Giám đốc HTX NN Thủy Tân phấn khởi chia sẻ: vụ Đông Xuân 2022-2023, hợp tác xã được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ thí điểm thử nghiệm sạ lúa theo cụm, bước đầu ông rất lo lắng bởi đây là hình thức canh tác khá mới mẻ tại địa phương. Giai đoạn đầu thực hiện, các hộ tham gia quan sát thấy mật độ cây lúa trên đồng ruộng rất thưa khác với hình thức sạ lan thông thường nên thực sự lo lắng năng suất lúa thấp, không đạt hiệu quả… nhưng ông luôn động viên bà con chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp cây lúa phát triển tốt. Kết quả đã chứng minh năng suất vượt trội, trong vụ Đông Xuân 2022-2023 hộ đạt cao nhất  đến 100 tạ/ha, hộ thấp nhất 80 tạ/ha cao hơn so với sạ lan từ 10-30 tạ/ha đây là mức năng suất kỷ lục đầu tiên trên cùng đơn vị diện tích tại địa phương bà con đạt được nên rất phấn khởi, vui mừng. Từ thành công đó, vụ Hè Thu vừa qua Hợp tác xã đã mạnh dạn mua sắm máy sạ cụm với sự hỗ trợ từ đơn vị Trung tâm Khuyến nông tỉnh để tiếp tục chủ động trong khâu xuống giống gieo trồng.

Qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình trong vụ Hè Thu, nhận thấy sạ cụm khoảng cách giữa các khóm trên ruộng đồng đều và thông thoáng, giúp cây lúa tăng khả năng hấp thụ ánh sáng quang hợp tốt và hấp thụ chất dinh dưỡng nên khả năng đẻ nhánh hữu hiệu mạnh, bông lúa dài, đạt số hạt chắc/bông cao, hạt lúa sáng, mẩy, đặc biệt tỷ lệ lem lép hạt thấp hơn nhiều so với sạ thường, từ đó năng suất đạt cao hơn.

        Mô hình máy sạ cụm bước đầu đánh giá có tính khả thi cao. Về năng suất làm việc trong điều kiện bình thường có thể đạt 2-3ha/ngày, cao hơn nhiều so với sạ thường giúp đẩy nhanh tiến độ xuống giống tập trung đáp ứng thời gian gấp rút trong vụ Hè Thu. Về lợi ích, hiệu quả kinh tế: Sạ  cụm lượng giống sử dụng chỉ 70kg/ha, giúp tiết kiệm từ 30-50kg/ha so với sạ thông thường như hiện nay. Ngoài chi phí sản xuất giảm, sâu bệnh hại cũng được hạn chế đáng kể từ đó giúp tăng lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/ha cho người trồng lúa.

Thông qua mô hình người nông dân tại địa phương đã có cơ hội tiếp cận với các loại máy móc công nghệ và trực tiếp canh tác nên đã thấy được những hiệu quả mang lại nếu kết hợp nhiều giải pháp vào đồng ruộng, từ khâu chọn giống, quản lý nước, chăm sóc bón phân đến phương pháp sạ cụm sẽ giúp mang lại hiệu quả cao. Tin tưởng trong thời gian tới, máy sạ lúa theo cụm sẽ được nông dân đón nhận sử dụng rộng rãi, góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững./.

Lê hà Tâm Thanh
 Bản in]

Thư viện video

Tổng cộng0