Các biện pháp kỹ thuật để nuôi ốc Hương theo hướng an toàn sinh học
Cập nhật:28/10/2022 10:03:36 SA
Trong những năm qua, tôm thẻ chân trắng là một đối tượng nuôi chủ lực tại các vùng bãi ngang trên cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm thẻ diễn biến phức tạp gây ra thiệt hại lớn cho người nuôi. Nhiều diện tích ao nuôi tôm bị bỏ hoang và chuyển sang nuôi các đối tượng nuôi khác trong đó có ốc hương.

Ốc hương là một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Ốc có thể nuôi với mật độ cao, đem lại sản lượng lớn. Thức ăn sử dụng chủ yếu là nguồn cá tạp giá rẻ, tận dụng được tại địa phương thay vì sử dụng thức ăn công nghiệp chi phí lớn.

Tuy nhiên để phát triển nuôi ốc hương thành công và sản phẩm ốc nuôi đảm bảo chất lượng phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng, người nuôi cần phải tuân thủ các biện pháp kỹ thuật để nuôi ốc hương theo hướng an toàn sinh học như sau:

- Đối với nền đáy cát trước khi đưa vào nuôi cần phải được xử lý sạch sẽ loại bỏ các chất bẩn, nếu sử dụng các đã nuôi từ vụ trước cần cải tạo làm sạch cát bằng cách súc rửa chất thải, bón vôi, phơi khô và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy để vệ sinh đáy. Cát được sử dụng là loại cát có kích thước lớn.

- Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường của ao nuôi cũng như của nguồn nước cấp như: pH, độ mặn, độ kiềm … để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

- Vào các thời điểm không thay được nước, môi trường ao nuôi diễn biến xấu, thực hiện đồng thời các biện pháp sau: Giảm lượng thức ăn; bơm cấp thêm nước mới; tăng cường quạt nước; sử dụng vôi thủy sản, chế phẩm sinh học,… để cải thiện môi trường ao nuôi.

- Sử dụng các loại thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng không sử dụng các loại cá tôm cá tạp bảo quản bằng hóa chất.

- Dọn sạch đáy ao, vớt bỏ thức ăn dư thừa như: xương cá, vỏ giáp xác … và thay nước trước khi cho ốc ăn.

- Tăng cường quạt nước trong ao nhất là khi trời nóng và ban đêm. Che lưới chống nắng cho ao nuôi vào mùa nắng nóng.

- Vào mùa mưa tăng cường xả nước tầng mặt và cấp nước mặn bổ sung vào ao nuôi và bón thêm vôi tránh hiện tượng ốc chết do độ mặn và pH giảm.

- Định kỳ từ 7 – 14 ngày tùy vào giai đoạn nuôi, vào ngày không cho ốc ăn sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy ao nuôi để phân hủy các chất hữu cơ làm sạch nền đáy nuôi ốc hương.

- Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của ốc để chủ động các biện pháp phòng bệnh kịp thời.

- Trong quá trình nuôi nên sang ao ít nhất 1 lần, đưa ốc sang ao nuôi mới có nền đáy sạch hơn đồng thời cải tạo lại đáy cát, giảm mật độ ốc nuôi tránh trường hợp ốc nhiễm bệnh do nền đáy bị ô nhiễm.

- Chỉ sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường, phòng và trị bệnh cho ốc. Đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc, hóa chất theo đúng quy định của nhà sản xuất.

- Chất thải tạo ra trong quá trình sản xuất phải được thu gom, bỏ đúng nơi quy định. Nước thải trong quá trình nuôi không được thải trực tiếp ra môi trường ngoài mà phải dẫn đến ao xử lý nước thải hoặc ao xử lý nước thải chung./.

Hoàng xuân Thành
 Bản in]

Thư viện video

Tổng cộng0