Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch: Dễ thực hiện, lợi ích lớn.
Cập nhật:14/09/2022 1:56:30 CH
Vụ Hè Thu 2022, Trung tâm Khuyến nông - tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ Đông Xuân để tăng năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa Hè Thu. Mô hình được người dân đánh giá là dễ thực hiện, chi phí thấp, mang lại hiệu quả cao.

Ngay từ đầu vụ, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh, hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, đồng thời tiến hành hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật để người dân áp dụng hiệu quả.

Mô hình được triển khai tại 11 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong tỉnh với diện tích 80 ha. Ruộng mô hình được xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh kết hợp với các biện pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo cho vi sinh vật hoạt động tốt, phát huy hiệu quả. Chế phẩm vi sinh được áp dụng cho các mô hình là Phân bón hữu cơ vi sinh Trichoderma-CNX có tác dụng phân hủy và nhanh hoai mục rơm, gốc rạ trên đồng ruộng; hạ phèn, giúp cây lúa nhanh bung rễ, chống ngộ độc hữu cơ, hạn chế nghẹt rễ, vàng lá sinh lý. Qua quá trình triển khai, theo dõi, mô hình đã mang lại hiệu quả cao: Năng suất lúa trong mô hình hầu hết các điểm cao hơn lúa ngoài mô hình 2-3 tạ/ha, lợi nhuận tăng 10% đến 20% nhờ giảm được lượng phân bón và công lao động, ruộng áp dụng biện pháp xử lý rơm được bổ sung lượng hữu cơ đáng kể nhằm cải tạo đất.

Tại hội nghị đầu bờ tổ chức tại thôn Gia Viên, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. ông Bùi Tuấn, đội trưởng đội sản xuất thôn Gia Viên đánh giá: “Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và xử lý bằng chế phẩm vi sinh, rơm rạ trên đồng ruộng phân hủy nhanh, người dân làm đất gieo sạ dễ dàng hơn, giảm hiện tượng lúa chết sau gieo, lúa sinh trưởng khỏe hơn, giảm lượng phân bón, giảm sâu bệnh, năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình 2 tạ/ha và đồng đều hơn,…Với chi phí gần bốn mươi nghìn đồng trên 1 sào 500m2 để mua chế phẩm xử lý rơm rạ, đội sản xuất thôn Gia Viên sẽ vận động bà con thực hiện trong các vụ tới để giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất lúa”.

Đồng thời, qua đánh giá của các điểm thực hiện mô hình, xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh đơn giản, dễ thực hiện, thời gian xử lý ngắn, đáp ứng được yêu cầu thời vụ, giảm chi phí đầu tư phân bón trong sản xuất cụ thể là giảm phân đạm, giảm công chăm sóc, nâng cao năng suất và lợi nhuận trong sản xuất lúa. Ngoài ra, mô hình là một trong những biện pháp thay thế nhằm giảm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, hình thành phương thức sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn./.

Lê Duy Kiên
 Bản in]

Thư viện video

Tổng cộng0