Một số đề xuất để phát triển sản xuất lúa hữu cơ tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Cập nhật:16/05/2023 3:21:01 CH
Gạo là lương thực không thể thiếu cho bữa ăn hàng ngày của gia đình ngườu Việt. Để bảo vệ tốt sức khoẻ gia đình, người tiêu dùng luôn mong muốn tìm kiếm những sản phẩm gạo sạch, chất lượng, phục vụ nhu cầu hàng ngày. Đây là vấn đề đặt ra cho những người sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực này.

Thực tế, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế rất chú trọng phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm gạo an toàn cung cấp cho thị trường, bên cạnh đó từng bước giúp nông dân loại bỏ dần các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường sống, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất và điều kiện của tỉnh ta hiện này, việc nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gặp rất nhiều khó khăn do trong thời gian đầu khi chuyển sang canh tác hữu cơ, năng suất thường đạt thấp, chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán chưa tương xứng dẫn đên lợi nhuận của nông dân giảm.  Bên cạnh đó, do đã quen với tập quán sản xuất cũ nên bà con nông dân vẫn chưa mặn mà.

Vậy, để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ; ngoài việc cần sự quyết tâm của bà con nông dân thì cần có sự hỗ trợ thiết thực và kịp thời của chính quyền, sự kết nối của các doanh nghiệp.

* Về phía Nhà nước:

Tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ về công nghệ, vật tư, vốn để các đơn vị, người nông dân có điều kiện tiếp cận với sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Tuyên truyền cho người dân về phát triển nền nông nghiệp bền vững mà nhà nước đang hướng đến, về nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo; về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng; về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi tiêu thụ lúa gạo từ các mô hình sản xuất lúa an toàn.

Hướng dẫn các địa phương, HTX nông nghiệp và người dân tận dụng phụ phế phẩm trong nông nghiệp để tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ lại cho việc sản xuất lúa hữu cơ, tạo nền nông nghiệp tuần hoàn, giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Tạo điều kiện xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ ở các vùng sản xuất lúa hữu cơ: Giúp đỡ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm.

* Về phía doanh nghiệp:

Liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra và nâng cao giá trị của sản phẩm gạo sạch.

* Về phía các đơn vị tổ chức sản xuất (HTX nông nghiệp, tổ hợp tác,…):

Cần có cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, quy hoạch đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Lồng ghép các mô hình sản xuất lúa hữu cơ trong các chương trình hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân, qua đó từng bước thay đổi tư duy sản xuất.

Vận động, phổ biến và kiểm tra, theo dõi thường xuyên các hoạt động sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của các hộ dân để giải quyết kịp thời các vướng mắc.

* Về phía người dân:

Tham gia sản xuất lúa hữu cơ trên tinh thần tự giác, tự nguyện; đáp ứng được  điều kiện sản xuất (kinh nghiệm, kinh tế, lao động…) và sẵn sàng thực hiện  đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn./.

Nguyễn Thị Kiều Chinh
 Bản in]

Thư viện video

Tổng cộng0