Cây sen hiện đang là một sản phẩm được Thừa Thiên Huế quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen Huế được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng. Bên cạnh các giống sen cao sản để lấy hạt, hiện nay nhu cầu của thị trường cần có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen phục vụ cho ẩm thực và du lịch như nón lá sen, trà hoa sen, củ sen... Để tạo điều kiện cho người trồng có cơ hội lựa chọn giống sen đáp ứng được yêu cầu của thị trường và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình trồng các giống sen có triển vọng với diện tích 5 ha. Mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã nông nghiệp Điền Lộc – Phong Điền và Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Tân – Hương Thủy. Các giống sen được đưa vào trồng gồm nhóm lấy hoa, lá gồm có giống sen Gia Long và sen Trắng (giống sen địa phương – Huế) và nhóm lấy hạt có các giống sen hồng cao sản.
Qua thời gian trồng, các giống sen đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh. Hoa của giống sen Gia Long và sen Trắng được đánh giá mặt cảm quan đẹp; bông to, màu hoa đều, hương thơm và thời gian hoa nở đến tàn kéo dài hơn giống cao sản phù hợp để cung cấp hoa và lá, năng suất đạt được trên 25.000 hoa/ha, bên cạnh đó còn cho thu hoạch hạt và củ vào cuối vụ. Các giống sen hồng cao sản cho năng suất hạt trung bình đạt 28 tạ/ha, chất lượng tốt. Với giá hoa 3.500đ/hoa, giá hạt sen 30.000đ/kg kết quả thu nhập trên 55 triệu đồng/ha, gấp 2,5 lần so với trồng lúa.
Ông Hồ Văn Thức, một trong những hộ trồng sen lâu năm tại Điền Lộc tham gia mô hình chia sẽ: “Các hộ trồng sen trong vùng hằng năm thường không chủ động nguồn giống, chủ yếu là mua từ các vùng khác, giống sen đưa vào trồng nhiều chủng loại, không rõ nguồn gốc do đó năng suất sen không đồng đều, dễ nhiễm sâu bệnh. Tham gia mô hình và trồng 1,5 ha sen hồng cao sản, được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ giống, vật tư, chúng tôi chăm sóc sen đúng yêu cầu kỹ thuật nên năng suất sen lấy hạt gia đình chúng tôi năm nay đạt khá cao, không nhiễm bệnh, hạt sen to hơn so với các hộ trồng khác trong vùng, hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt ”.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông định hướng tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng sen thông qua các hoạt động như: tập huấn cho các hộ nông dân kỹ thuật thâm canh bền vững cây sen, hỗ trợ các hộ trồng, sản xuất sen theo chuỗi liên kết; đa dạng hóa sản phẩm từ cây sen đồng thời xây dựng các mô hình phòng trừ các đối tượng dịch hại đang phát sinh gây hại trên các vùng trồng sen ở các địa phương, góp phần đưa sen Huế thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.